GS Trần Văn Chứ: “Chuyển đổi số để chuyển tới nền giáo dục chất lượng cao”

(Dân trí) – Chuyển đổi số không thay đổi giá trị cốt lõi hay mô hình của một tổ chức giáo dục đại học mà là sự chuyển đổi hoạt động cốt lõi thông qua công nghệ và nền tảng số, nắm bắt cơ hội mà chúng mang lại.

Đó là chia sẻ của GS.TS.Trần Văn Chứ, hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp về chuyển đổi số ở trường đại học.

Trường ĐH Lâm Nghiệp là trường đa ngành, đa lĩnh vực. Nhà trường đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học từ khá sớm. Hệ thống quản lý đào tạo (trường đại học thông minh) đã được xây dựng, vận hành đồng bộ trên quy mô toàn trường từ năm 2008 khi bắt đầu triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online.

GS.TS.Trần Văn Chứ, hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp (Ảnh: Thanh Hùng).
Trao đổi với Dân trí, GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, đứng trước bối cảnh xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trường ĐH Lâm Nghiệp đã nhanh chóng chuyển mình, biến thách thức thành cơ hội để phát triển, xác định chuyển đổi số là tất yếu, là con đường đi đến tương lai của giáo dục.

Nhà trường với tư cách là trường đại học đầu ngành về lâm nghiệp và đa ngành đã từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật trong hệ thống như: thư viện số, hệ thống quản lý học vụ… Tuy nhiên, quá trình này cần cân nhắc đến các điều kiện hiện hữu về hạ tầng công nghệ, kinh phí, sự đồng bộ.

Một thực tế chúng tôi phải thừa nhận rằng, các nền tảng này còn rời rạc, chưa liên thông trong toàn hệ thống, chưa khai thác hết những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo, chưa thực sự hỗ trợ được cho công tác quản trị, quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người học,…

Hiện nay, nhà trường tập trung vào ba nội dung chính: (1) Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường; (2) Chuyển đổi số trong giảng dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, in ấn, xuất bản giáo trình, tài liệu,.., (3) Phát triển nguồn học liệu số.

Vậy nội dung triển khai chuyển đổi số cụ thể như thế nào thưa giáo sư?

– Nhà trường đã thay đổi về cơ sở pháp lý, cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm nội bộ đầy đủ, đồng bộ. Đồng thời để chính sách đi vào đời sống, cần phải có hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và bảo đảm chất lượng giáo dục – đào tạo trực tuyến và từ xa để bảo đảm tính giá trị của hình thức đào tạo này. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới.

Trong công tác quản trị, Nhà trường đã tập trung vào số hóa thông tin quản lý, tạo ra những bộ cơ sở dữ liệu lớn có tính đồng bộ, liên thông, triển khai các dịch vụ trực tuyến, ứng dụng công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu…) để quản lý, điều hành, đánh giá nhu cầu và dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác.

Hiện nay, hầu hết các hoạt động quản trị nhà trường đã được ứng dụng công nghệ thông tin ví dụ như các phần mềm: Quản lý đào tạo; Tuyển sinh online; Hệ thống đào tạo bán trực tuyến; Quản lý tài chính; Quản lý tài sản; Quản lý hoạt động Khoa học công nghệ; Quản lý tài liệu in; Thư viện số; Quản lý và tổ chức thi trực tuyến; Quản lý tạp chí và xuất bản: Quản lý nhân sự Văn bản điều hành liên thông; Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế.

Nhà trường đã đầu tư xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ số không gian giảng dạy, học tập; xây dựng bài giảng số, phần mềm và ngân hàng đề thi trắc nghiệm, các khóa học trực tuyến; mô hình thí nghiệm ảo; đầu tư các thiết bị thông minh lắp tại các lớp học, phòng hội thảo như: Đầu ghi hình, bảng điện tử thông minh, bàn học thông minh, thiết bị họp trực tuyến.

Đặc biệt, nhà trường đã triển khai học kỳ doanh nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên tham gia trải nghiệm thực tế, tiếp cận công nghệ cao, tham quan thực tế ảo. Triển khai kỹ lưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ của giảng viên và sinh viên.

Giảng viên là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của đào tạo trực tuyến, từ xa và quá trình chuyển đổi số. Do đó, đội ngũ giảng viên cần được trang bị kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm phương pháp giảng dạy theo tiếp cận mới, phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác…

Tổ chức các khóa huấn luyện: giảng dạy với công nghệ, giảng dạy theo mô hình hỗn hợp, huấn luyện sử dụng công cụ và nền tảng số… Tổ chức thiết kế/biên soạn lại các môn học theo mô hình dạy học hỗn hợp, mô hình học liệu mở, bài học có tương tác… Một số môn học có thể tham khảo hoặc sử dụng nguồn học liệu, tài liệu từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Các hoạt động xúc tiến tuyển sinh, quảng bá giới thiệu ngành nghề cũng đã được chuyên nghiệp hóa trong tổ chức triển khai, cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa, cổng thông tin tuyển sinh đã được nâng cấp, công nghệ AI đã được ứng dụng trong phân tích và đánh giá nhu cầu, các kênh truyền thông trên mạng xã hội được phát triển.

Trong hoạt động KHCN, đã ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán của trường, của ngành. Hoạt động KHCN, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc, nhiều công trình của cán bộ và sinh viên đã được đưa vào thực tiễn sản xuất, đạt giải cao trong các cuộc thi.

GS Trần Văn Chứ: Chuyển đổi số để chuyển tới nền giáo dục chất lượng cao - 2
Một số công trình nghiên cứu ứng dụng của giảng viên trường ĐH Lâm nghiệp.

Theo giáo sư, chuyển đổi số có làm thay đổi giá trị cốt lõi hay mô hình của một tổ chức giáo dục đại học không?

– Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình thay đổi phương thức thực hiện giáo dục truyền thống bằng phương pháp giáo dục hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và các phương thức giáo dục, phương thức dạy học, phương thức quản lý giáo dục, tận dụng tối đa công nghệ hướng tới nền giáo dục chất lượng cao.

Về bản chất, chuyển đổi số không thay đổi giá trị cốt lõi hay mô hình của một tổ chức giáo dục đại học mà là sự chuyển đổi hoạt động cốt lõi thông qua công nghệ và nền tảng số, đồng thời nắm bắt các cơ hội mà chúng mang lại. Nói cách khác, chuyển đổi số là sự giao thoa giữa công nghệ và chiến lược đào tạo.

Để chuyển đổi số cần phải áp dụng đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp nhưng cần trọng tâm vào khâu yếu của Nhà trường. Chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT phải bắt đầu từ công tác dạy và học, đó là sự thay đổi về mặt nhận thức, tạo lập nên môi trường học tập số, học liệu số. Từ đó thay đổi phương pháp dạy và học, qua đó hình thành nên những học viên số và giảng viên số.

Đối với công tác quản lý dạy và học, có 2 khía cạnh cần ưu tiên. Một là thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái Edtech mà Bộ GD&ĐT có vai trò rất lớn, có thể đóng vai trò kiến tạo thông qua nền tảng giáo dục số quốc gia.

Hai là thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý của toàn ngành, từ bộ, sở, phòng đến nhà trường.

Trong trường đại học, có ba điều cần phải làm ngay. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện người lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi đơn vị của mình thế nào. Người lãnh đạo cần phải thay đổi tư duy nhanh chóng theo xu thế hiện đại. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự.

Khó khăn và thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong trường đại học là gì, thưa giáo sư?

– Phải nói rằng, chuyển đổi số chính là “cú hích” trong nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy – học, cụ thể:

Các lớp học truyền thống với những nhược điểm như chi phí tổ chức cao, không gian phục vụ hạn chế, thời gian cố định, … sẽ được thay thế bằng các lớp học trực tuyến, lớp học ảo.

Không gian học tập đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác người – người, người – máy như thật thông qua các phần mềm mô phỏng công nghệ VR.

Big data sẽ là nguồn dữ liệu vô tận để học tập trải nghiệm về phân tích, dự đoán xu hướng hay dự báo kinh doanh ở mức chính xác cao; Tài nguyên học tập số trong điều kiện kết nối không gian thật và ảo sẽ vô cùng phong phú, không gian thư viện không còn là địa điểm cụ thể nữa, mà thư viện có thể khai thác ở mọi lúc, mọi nơi.

Chương trình dạy học được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục cá nhân hóa. Chính vì vậy, hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng với Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong trường đại học có nhiều thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, quyết tâm của lãnh đạo, tư duy, năng lực quản lý và giảng dạy. Lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường, người thầy phải thay đổi. Họ phải đối mặt với những phương thức giảng dạy, đào tạo, quản lý trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích này. Do đó, họ cần trang bị hiểu biết và tư duy số để có thể làm chủ, đồng thời biết rõ sự giới hạn của công nghệ. Cách thức và quá trình chuyển đổi không có một công thức chung, đòi hỏi lãnh đạo ngành cần phải đề ra chiến lược, giải pháp và lộ trình chuyển đổi riêng cho mình mà không có nhiều sự tham khảo từ kinh nghiệm và thực tiễn ở các ngành khác, quốc gia khác.

Thứ hai, kỹ năng sử dụng và làm chủ công nghệ. Chuyển đổi số đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ.

Thứ ba, hạ tầng và nền tảng công nghệ. Chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng công nghệ mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên cùng một nền tảng, tương thích, kết nối và tích hợp được.

Thứ tư, sự sẵn sàng tiếp nhận của người học. Rất nhiều sinh viên chưa sẵn sàng cho học tập trực tuyến vì nhiều lý do: Trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, phương pháp và kỹ thuật giảng dạy của giảng viên chưa thuyết phục.

Thứ năm, đào sâu thêm bất bình đẳng trong giáo dục. Ta thường nghĩ việc số hóa hoạt động giáo dục sẽ đem lại “sự bình đẳng số” nhờ ưu thế tiếp cận công nghệ không giới hạn không gian và thời gian.

Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/gs-tran-van-chu-chuyen-doi-so-de-chuyen-toi-nen-giao-duc-chat-luong-cao-20220515072935503.htm?gidzl=e5XMSetp2WAbHrDnYEyE3AD1LtYLkbqDl4C6Afo_M0gp5b8gckW8MhSG1YsQkLOCuKOBB68OccX5Yl0C10

1800 9379

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon
zalo-icon
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon